TBCKVN - Trước sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới hạ tầng, thời gan qua, thị trường bất động sản Bình Thuận đã liên tục đón những đợt sóng đầu tư mới. Theo đó, các nhà đầu tư thứ cấp, môi giới, cò đất cũng tìm về địa phương này...
Với những tuyến đường giao thông liên tỉnh, liên vùng quan trọng như quốc lộ (QL) 1A dài gần 200 km qua địa bàn tỉnh, tuyến QL 55 nối Bà Rịa – Vũng Tàu - Hàm Tân - Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc – QL 20 - Lâm Đồng; đường ĐT 720 - ĐT 766 qua Hàm Tân - Tánh Linh - Đức Linh ra QL 1A, QL 20. Tuyến đường ven biển khép kín chiều dài của tỉnh, với các tuyến rộng rãi như Hòa Thắng - Hòa Phú, ĐT.706B (Võ Nguyên Giáp), dễ dàng thấy được tiềm năng đón sóng đầu tư của các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trong những năm trở lại đây. Việc hạ tầng giao thông kết nối đã góp phần đưa giá đất nhiều nơi tăng lên đồng thời cũng tạo ra các đợt sốt đất ảo.
Tương tự, thị trường bất động sản khu vực thị xã La Gi và dọc tuyến đường biển Kê Gà đang phát triển mạnh, thu hút mạnh giới đầu tư. Nhiều khách hàng cũng chuyển dòng tiền vào nhà đất một số khu vực có tiềm năng vì muốn "ăn theo" các dự án quy mô lớn đang rục rịch triển khai xây dựng tại La Gi.Ba tháng trở lại đây, giá đất tại Thiện Nghiệp dọc tuyến đường hướng vào khu quy hoạch sân bay Phan Thiết vẫn âm thầm thay đổi từng ngày. Được biết, mỗi sào đất có mặt tiền đường ĐT 715 từ 200 triệu trước khi có dự án sân bay thì nay được môi giới chào bán với giá 4 - 5,5 tỷ đồng; những lô đất mặt tiền đường lớn còn được chào giá hơn 10 tỷ đồng.
Theo đó, một số dự án đất nền khác đã được chủ đầu tư bán ra thị trường trước đây với mức giá khoảng 6 - 8 triệu đồng/m2 nay được giao dịch trên thị trường thứ cấp với giá 20 - 30 triệu đồng. Những khu vực có sự xuất hiện của môi giới, cò đất, giá đất bất động sản Bình Thuận có thể tăng cao hơn.
Một số cá nhân cho biết, hiện bất động sản Bình Thuận đang xây dựng bảng giá đất cho giai đoạn 5 năm tới, cho thấy giá đất nhiều vùng trên địa bàn có biến động tăng.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Thuận, qua điều tra, khảo sát, nhìn chung, giá đất dự kiến áp dụng 5 năm (2020 - 2024), đa số vị trí, loại đất có biến động tăng nhiều; giá đất thị trường (đất nông nghiệp, đất ở) so với bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND, Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND có biến động tăng, tập trung chủ yếu ở các thị trấn, thị xã, khu dân cư mới hình thành, tuyến đường mới được đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh trong đô thị ở huyện, thị xã bởi kết cấu hạ tầng đã được nâng cấp, đầu tư tốt hơn; giá chuyển nhượng trên thị trường bất động sản Bình Thuận biến động tăng…
Cụ thể, đất nông nghiệp, các huyện, thị xã đề nghị tăng giá từ 71 - 500%; đất lúa, cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản, đất cây lâu năm bình quân khoảng 60 - 90% giá thị trường phổ biến). Đối với các vị trí đất tại một số huyện Tuy Phong đề nghị tăng giá từ 120 - 217%; Bắc Bình tăng 120 - 140%; Hàm Thuận Bắc tăng 71 - 181%; Hàm Thuận Nam tăng 214 - 252%; Hàm Tân tăng 230 - 340%; Đức Linh tăng 165 - 245%; Tánh Linh tăng 190 - 269%; Phú Quý tăng 129 - 500%; thị xã La Gi tăng từ 140 - 233% so với Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND tỉnh trước đây.
Với đất lâm nghiệp, các huyện, thị xã, đơn vị tư vấn thống nhất lấy theo giá đất Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND nhân với hệ số K năm 2019 để đề xuất giá đất 5 năm 2020 - 2024. Đất làm muối, Hàm Thuận Nam điều chỉnh tăng 393% đối với vị trí 1, tăng từ 172 - 175% vị trí 2 và 3; Tuy Phong điều chỉnh tăng 106 - 220% so với Quyết định số 59/2014QĐ-UBND.
Tương tự, bất động sản Bình Thuận ở nông thôn khu vực 1, huyện Tuy Phong đề nghị tăng giá các vị trí từ 233 - 372%; Bắc Bình tăng giá từ 140 - 500%; Hàm Thuận Bắc tăng giá 57 - 233%; Hàm Thuận Nam tăng giá 207 - 388%; Hàm Tân tăng giá 140 -310%; Đức Linh tăng giá 206 - 281%; Tánh Linh tăng giá 286 - 433%; Phú Quý tăng giá 10,26 lần đến 15,38 lần; thị xã La Gi tăng giá 196 - 389% so với Quyết định số 59/2014/QĐ-UBND, Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND (bình quân từ 60 - 90% giá thị trường phổ biến)